Từ việc trăn trở với sự suy vong của làng nghề truyền thống Mộc Xa Lang - nơi chôn nhau cắt rốn của mình, anh Nguyễn Phi Long, sinh năm 1983 xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn đã từ bỏ cuộc sống bươn chải làm ăn nơi xứ người, trở về gắn bó với nghề mộc và phát triển với sản phẩm chủ yếu về đồ thờ mỹ nghệ, phục dựng các nhà thờ cổ cho các dòng họ. Sau gần 10 năm miệt mài nỗ lực xây dựng thương hiệu, đến nay sản phẩm của anh đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước, được khách hàng tin tưởng, tín nhiệm và đặt hàng ngày càng nhiều.
Đến với thôn 3, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn từ đằng xa đã nghe tiếng máy cưa, đục đẽo, chạm khắc rộn ràng của sở sở sản xuất đồ gỗ Long Giang. Một không khí làm việc hết sức tập trung và khí thế, mỗi người mỗi công đoạn, ai cũng nỗ lực phấn đấu làm ra các sản phẩm đồ thờ mỹ nghệ tinh xảo, tinh tế và đẹp mắt.
Hơn 10 tuổi, cậu bé Nguyễn Phi Long được những nghệ nhân tên tuổi như ông nội Nguyễn Đức, cha đẻ Nguyễn Sơn dẫn dắt, uốn nắn đôi bàn tay chạm khắc để tạo nên những sản phẩm tinh tế, những họa tiết, hoa văn, đường nét tinh xảo trên mặt gỗ.
Để có được cơ sở sản xuất đồ gỗ quy mô và rộng rãi như ngày hôm nay, Nguyễn Phi Long đã trải hơn 10 xây dựng và phát triển thương hiệu. Sinh ra, lớn lên ở làng nghề nổi tiếng mộc Xa Lang, thôn Tân Tiến, xã Tân Mỹ Hà, tuổi thơ của anh gắn liền với âm thanh rộn ràng giữa những tiếng đục đẽo, xẻ cưa của những người thợ.
Hơn 10 tuổi, cậu bé Nguyễn Phi Long được những nghệ nhân tên tuổi như ông nội Nguyễn Đức, cha đẻ Nguyễn Sơn dẫn dắt, uốn nắn đôi bàn tay chạm khắc để tạo nên những sản phẩm tinh tế, những họa tiết, hoa văn, đường nét tinh xảo trên mặt gỗ.
Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp THPT, anh lại không theo nghề mộc gia truyền mà chuyển hướng vào học nghề sửa chữa ô tô rồi lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó đi xuất khẩu lao động tại Angola với hy vọng được “đổi đời”.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang đã có máy móc thiết bị hiện đại, giúp cho quá trình chạm khắc được nhanh hơn
Sau 10 năm xa xứ, năm 2014, anh trở về quê hương làm nghề, đôi bàn tay khéo léo của người thợ lâu ngày không cầm dùi, đục trở nên ngượng nghịu. Nhờ sự giúp sức của người bố, cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang của anh được thành lập ở xã Tân Mỹ Hà, sau đó chuyển về quê hương của vợ ở thôn 3, xã Sơn Bình. Tuy nhiên khó khăn lúc bấy giờ là nguồn vốn để đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, cùng với đó, cơ sở mới đi vào hoạt động, chưa có đầu ra cho sản phẩm, mặt khác nguồn nguyên liệu khan hiếm, anh đã rất vất vả trong quá trình xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên với sự nổ lực vượt khó đi lên, cùng với sự động viên của cấp ủy, chính quyền, sự đồng hành của gia đình, người thân, bạn bè, cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang đã xây dựng được thương hiệu và khẳng định được chất lượng sản phẩm. Ông Hà Huy Ninh, người dân thôn 3 xã Sơn Bình cho biết: “nhà thờ của dòng tộc họ Hà ở Sơn Bình của chúng tôi được xây dựng từ rất lâu nên đã xuống cấp trầm trọng, con cháu trong dòng họ đã họp bàn để sửa chữa nhưng phải làm sao vẫn giữ được các bản sắc vốn có của nhà thờ. Sau khi họp bàn, chúng tôi đã chọn cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang, mà người trực tiếp là cháu Long đảm nhận công việc quan trọng này. Trong quá trình làm, chúng tôi thấy rất vừa lòng, các cháu làm vì cái tâm chứ không phải làm vì đồng tiền. Thứ 2 nữa tay nghề rất là cao. Thứ 3 chất lượng gỗ mà các cháu chọn rất tốt, dùng hoàn toàn bằng gỗ mít lâu năm. Sau khi bàn giao công trình, con cháu trong dòng tộc của chúng tôi rất hài lòng, các cháu đã phục chế được nhà thờ y như bản gốc ban đầu, đẹp, sắc sảo mà nhiều người đến xem không nhận ra là cái này vừa mới được làm mới hoàn toàn”
Với thợ mộc thì sản phẩm nào cũng làm được nhưng Phi Long chỉ chú trọng vào việc sửa chữa, làm mới nhà thờ và sản xuất bàn thờ các loại. Vì đây là nghề gia truyền của cả làng Xa Lang. Cũng giống như sản xuất các sản phẩm khác, nguyên liệu đầu vào giữ vị trí rất quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt. Tuy nhiên, điều khác biệt so với sản xuất các vật dụng đồ gỗ khác, làm nhà thờ và bàn thờ chỉ sử dụng duy nhất gỗ mít. Bởi, ngoài yếu tố phong thủy, gỗ mít là loại ít co ngót, cong vênh nên rất được ưa chuộng. Gỗ có tuổi đời càng cao, chất lượng càng tốt. Phi Long tâm sự : “nhà thờ, bàn thờ là nơi linh thiêng của cả dòng tộc, dòng họ và của một đại gia đình nên cần tránh những điều tối kỵ. Vì vậy, lựa chọn nguyên liệu để đóng bàn thờ, nhà thờ phải là loại gỗ tốt, gỗ sống, còn gỗ chết, giá rẻ thì tôi cũng từ chối vì điều đó chạm đến tâm linh, lương tâm của người thợ không được phép. Và khi làm một sản phẩm nào đó, tôi đặt hết tâm tư, tình cảm và thổi hồn vào trong đó, vì vậy mà sản phẩm làm ra rất tinh tế, được khách hàng rất hài lòng, đó là điều hạnh phúc nhất của người thợ như tôi”. Trong sản xuất, kinh doanh, anh Phi Long quan điểm lợi nhuận không phải là tất cả, mà cốt lõi là niềm tin, là sự chia sẻ lẫn nhau. Theo anh Long, đối với công việc, giao hàng đúng hẹn luôn là mục tiêu bất di bất dịch. Bởi, sản phẩm mang tính tâm linh, bàn thờ đẹp, được đưa về nhà đúng ngày, giờ sẽ mang lại may mắn, hanh thông cho gia chủ. Khách hàng hài lòng cũng là đem may mắn đến cho cơ sở của mình. Ông
Vì luôn giữ chữ tín mà Cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang được khách hàng tìm đến đặt hàng ngày càng nhiều. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trên khuôn viên rộng hơn 300 m2, anh Phi Long tiếp tục mở rộng diện tích hơn 2.000 m2 với số vốn gần 3 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị máy móc, nguyên liệu dự trữ. Đến nay, Cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang đã làm mới được 10 nhà thờ bằng gỗ có diện tích từ 50 - 100 m2. Ngoài ra, anh còn nhận sửa chữa, nâng cấp hàng chục nhà thờ khác, đóng từ 600 - 700 bàn thờ các loại với giá thành dao động từ 15 - 30 triệu đồng. Cơ sở của anh cũng đã tạo việc làm ổn định cho 12 - 14 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Long Giang trở thành điểm đến tin cậy với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Anh Trần Ngọc Kiên - Công nhân cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang cho biết: “trước đây tôi làm nghề mộc ở nhiều nơi xa, lương cũng cao nhưng chi phí cho sinh hoạt hàng ngày cũng lớn, vì vậy không đủ trang trải cuộc sống. Từ khi về quê và vào làm tại cơ sở sản xuất gỗ Long Giang, tôi được anh Long nhiệt tình đào tạo, hướng dẫn tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, nhờ vậy mà tôi đã trở thành người thợ lành nghề. Anh em trong cơ sở rất quan tâm, chia sẽ lẫn nhau, động viên nhau. Làm ở đây chế độ cũng rất tốt, bình quân tiền công mỗi ngày 350 nghìn đồng, trong đó đã được bao ăn, bao ở. Nói chung thu nhập ở quê đối với tôi như thế là rất ổn định”
Dưới bàn tay đục đẽo của Nguyễn Phi Long và những người thợ, những bàn thờ và nhà thờ được phục dựng, làm mới rất tinh xảo, đẹp mắt
Để tạo điều kiện mua nguyên liệu và tiếp thị sản phẩm, mới đây, anh Nguyễn Phi Long còn tiến hành thuê đất, san lấp mặt bằng, làm mới nhà trưng bày sản phẩm 200 m2 tại thôn Nam Đoài, xã Sơn Châu. “Hữu xạ tự nhiên hương”, khách hàng của Long Giang không chỉ trong tỉnh mà còn vươn xa đến tận các tỉnh Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Sản phẩm bàn thờ của Long Giang đã có mặt khắp mọi miền đất nước. Qua đó góp phần xây dựng cơ sở ngày càng phát triển mạnh, không chỉ góp phần phát triển kinh tế ở địa phương mà Phi Long đã góp công rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của làng Xa Lang, đưa văn hóa đặc trưng của vùng miền giới thiệu đến bạn bè khắp cả nước.
Ông Nguyễn Anh Hào - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình huyện khẳng định: cơ sở sản xuất đồ gỗ Long Giang là một trong những cơ sở có quy mô lớn của xã Sơn Bình. Anh Long chủ cơ sở là người có tâm, có tầm, làm việc đầy trách nhiệm, sản phẩm bàn thờ của anh đã được khách hàng rất ưa chuộng. Đặc biệt cơ sở của anh đã góp phần thay đổi diện mạo của quê hương xã Sơn Bình, đó không chỉ là tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương mà còn nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM”.
Với Nguyễn Phi Long, được gắn bó với nghề truyền thống, được phát huy giá trị văn hóa cha ông để lại là niềm tự hào, là hạnh phúc và đây cũng chính là điểm tựa để anh lập thân, lập nghiệp, đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.