Nuôi lươn không bùn - kỹ thuật khá đơn giản, dễ nuôi, dễ tiêu thụ và phù hợp với khả năng của người dân, vì vậy mô hình này đang được một số hộ dân ở thôn 5, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn áp dụng vào thực tiễn. Dù mới đưa vào nuôi thử nghiệm nhưng mô hình phát triển khá tốt, hứa hẹn hướng đi mới hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương.
Khu nhà nuôi lươn của gia đình anh Nguyễn Minh Hà có diện tích khoảng 200m2 với 10 ô chuồng nuôi
Khu bể nuôi Lươn bằng xi măng lát gạch trơn của gia đình anh Nguyễn Minh Hà, tại thôn 5, xã Sơn Bình rộng gần 200m2, chi phí xây dựng khoảng 280 triệu đồng. Hệ thống chăn nuôi gồm: 10 ô bể được bố trí hợp lý, mỗi ô có diện tích khoảng 10m2; bể tích trữ nước sạch dung tích 32m3, giếng khoan và hệ thống xử lý nước sau chăn nuôi với bể lắng lọc cũng được đầu tư đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường.
Dù mới đi vào chăn nuôi hơn 4 tháng nhưng mô hình đã cho thấy hiệu quả bước đầu khi con lươn phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh, tỷ lệ chết không đáng kể so với số lượng thả nuôi. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt anh Hà, bởi anh đã có quyết định đúng đắn khi đầu tư chăn nuôi Lươn theo kỹ thuật mới.
Anh Phạm Xuân Hoàng sử dụng giá thể là dây buộc chùm để làm nơi trú ẩn cho Lươn phù hợp với tập quán sinh trưởng
Vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm từ internet và những mô hình nuôi lươn của các hộ trong và ngoài tỉnh, anh Hà cũng đã dần rút ra cho mình bài học kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi. Anh Hà chia sẻ: "Nuôi lươn không bùn dễ nuôi, ít bệnh tật, chủ yếu là bỏ công chăm sóc. Quan trọng là phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để có biện pháp cho ăn hợp lý, đảm bảo nguồn nước sạch, nhiệt độ nước phù hợp và phòng bệnh thường xuyên. Lươn thường hay mắc bệnh lở loét vì vậy ngày nào tôi cũng theo dõi, kiểm tra sức khỏe của vật nuôi để phát hiện sớm con bị bệnh, có biện pháp phòng ngay, không để lan ra các con khác".
Hiện nay, gia đình anh Hà đang nuôi trên 15 ngàn con, nhờ áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh nên lươn phát triển tốt. Sau 7 tháng nuôi sẽ cho thu hoạch, tuy nhiên anh Hà dự định sẽ lựa chọn những con giống khỏe để tiếp tục nuôi sinh sản, nhân giống cho các vụ sau giảm chi phí đầu vào, số còn lại bán lươn thương phẩm thu hồi vốn.
Nuôi lươn không bùn từ khi thả giống đến khi xuất bán khoảng 7 - 10 tháng (Trong ảnh là lứa Lươn đã nuôi được 4 tháng của gia đình anh Hà)
Từ kết quả bước đầu của mô hình, đã có một số hộ dân trong thôn đến học tập kinh nghiệm và được anh Hà chia sẻ, hướng dẫn tận tình, chu đáo.
Anh Phạm Xuân Hoàng, là người đã có nhiều năm bôn ba làm ăn xa quê, sau khi trở về địa phương thấy mô hình nuôi Lươn không bùn của anh Nguyễn Minh Hà khá hiệu quả, anh cũng đã học tập và làm theo. Hiện tại, anh đầu tư khoảng 400 triệu đồng xây dựng hệ thống bể nuôi và thả trên 6 ngàn con giống. Để nuôi lươn đạt hiệu quả, ngoài con giống chất lượng và chế độ ăn, hộ nuôi rất chú trọng khâu chăm sóc, thay nước sạch thường xuyên, kiểm tra nhiệt độ nước và bổ sung thêm trong khẩu phần ăn là men tiêu hóa, vitamin C để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho lươn. Sau gần 2 tháng nuôi, với quy trình kỹ thuật đảm bảo nên lươn phát triển nhanh, khỏe mạnh. Anh Hoàng cho biết thêm:"Nuôi lươn không bùn chỉ sử dụng giá thể, khác hoàn toàn với tập tính và môi trường sống dưới bùn đất, ưa bóng tối của lươn. Do đó, tôi đã tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây buộc chùm lại với nhau, rồi cho vào bể chất chồng lên nhau.Với giá thể này, khi cho nước vào đến đâu thì dâng đến đó để lươn chui rúc trú ẩn, và dễ dàng bò lên ăn, cũng nhờ lớp dây chùm này mà lươn ít bơi lội gây đuối sức, nhanh phát triển, tăng trọng lượng"
Lãnh đạo xã Sơn Bình kiểm tra mô hình để đánh giá hiệu quả và có giải pháp khuyến khích nhân rộng trên địa bàn
Mô hình nuôi lươn như thế này rất phù hợp với các hộ dân ít đất sản xuất, hộ lớn tuổi, biết tận dụng thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Nhất là trong tình hình hiện nay, khi con lươn đang có đầu ra ổn định, có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, đang được cấp ủy chính quyền xã Sơn Bình đánh giá và nhân rộng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Song Hào, PCT UBND xã Sơn Bình cho biết: "Đây là những mô hình kinh tế mới của địa phương, hứa hẹn đem lại hiệu quả khá tốt. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã đang tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên, đoàn viên phát triển các mô hình mới, hiệu quả trong đó nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Chúng tôi cũng sẽ có những chính sách phù hợp để động viên bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống"
Nuôi lươn không bùn ở thôn 5, xã Sơn Bình đang cho thấy hiệu quả từ sự mạnh dạn dám nghĩ dám làm của bà con nông dân, góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, cải thiện thu nhập cho nông dân và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.