Hòa thượng Bình Lương, còn gọi là Sư Ba, tên thật là Phạm Ngọc Đạt, quê ở xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông từng tham gia phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, về sau khoác áo cà sa, trở thành nhà sư yêu nước - người “đồng chí” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chân dung Hòa thượng Bình Lương - Phạm Ngọc Đạt
1. Phạm Ngọc Đạt sinh năm 1882, quê ở làng Hữu Bằng, nay là xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cha ông là Phạm Đảng, thuộc dòng dõi Tướng quân Phạm Phúc Kinh, mẹ là người họ Đào, thuộc dòng dõi Quận công Đào Quang Nhiêu. Khi ông lên 2 tuổi thì mẹ mất. Tuổi thơ của ông cơ cực, vất vả, giống như những người anh em trong nhà cũng như bao người dân xã Sơn Bằng lúc bấy giờ.
Sinh ra đúng vào thời kỳ kháng Pháp diễn ra ở nhiều nơi trong cả nước, nhất là vùng Thanh Nghệ Tĩnh. Năm 1885, hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng dấy ngọn cờ Cần Vương, Phạm Đản cùng hai người con trai là Phạm Quán, Phạm Dục tích cực tham gia ngay từ những ngày đầu. Trong cuộc chiến hào hùng nhưng không cân sức này, cả hai người (Phạm Quán, Phạm Dục) đều hy sinh, trong đó Phạm Quán chưa vợ con, Phạm Dục đã có vợ và một người con trai là Phạm Bá Minh.
Sau khi hai người anh trai hy sinh, Phạm Ngọc Đạt tuy còn rất trẻ nhưng cũng đã rất ý thức được thân phận của người dân mất nước, ông tiếp tục cùng với gia đình, người dân vùng Sơn Bằng - Hương Sơn tích cực nuôi dưỡng, giúp đỡ, che dấu nghĩa quân Phan Đình Phùng trong quá trình kháng chiến.
Năm 1896, sau khi chủ tướng Phan Đình Phùng hy sinh, phong trào Cần Vương thất bại, Phạm Ngọc Đạt ở lại quê một thời gian, đến khoảng năm 1904, trước sự càn quét, khủng bố, bắt bớ của người Pháp, cùng với cuộc sống khổ cực của quê hương nên ông cùng với một số bạn bè, người thân tìm cách vượt Trường Sơn, qua Lào rồi đến Xiêm sinh sống. Sở dĩ ông đến nước Xiêm (Thái Lan) là bởi trước đó, đã có rất đông người Việt định cư tại đây. Quyết định rời quê hương ra nước ngoài cũng đã tạo nên bước ngoặt lớn, là cơ duyên đưa Phạm Ngọc Đạt trở thành nhà tu hành yêu nước sau này.
Sau khi đến Xiêm, Phạm Ngọc Đạt cùng với những người trong đoàn tìm đến các xóm làng đã có người Việt sinh sống trước đó để ở. Đây là những xóm Việt kiều đã di cư sang Xiêm từ trước đó khá lâu. Trong lịch sử, giữa Việt Nam và Xiêm vốn quan hệ rất gần gũi, “từ cuối thế kỷ XVI đã có người Việt sang buôn bán, cư trú ở Xiêm, nhất là thời kỳ Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn thi hành chính sách mở rộng giao thương với nước ngoài. Đến những năm đầu của thế kỷ XX, có nhiều người Việt là binh lính của Nguyễn Ánh sang cư trú. Tiếp đó, đồng bào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị… do không chịu hợp tác với chính quyền Pháp, lo ngại bị bắt sau phong trào yêu nước cũng đã vượt Trường Sơn sang Lào và Xiêm. Việt kiều sinh sống trên đất Xiêm rất đông (có trên 3 vạn người). Họ sống quần tụ thành các làng xóm ở vùng đông bắc Xiêm, một số ít sống ở miền Trung. Năm 1908, khi bị trục xuất khỏi Nhật Bản sang Xiêm, Phan Bội Châu đã nhận xét rằng: Mối quan hệ giữa Xiêm và Việt Nam như môi với răng”[1].
Trong cuốn Đồng chí Hồ Chí Minh, E.Cô-bê-lép đã cho biết: “Ở miền Trung nước Xiêm, tại một vùng đồi bãi trên bờ sông Mê Man có một xóm nhỏ. Xóm ấy có độ hai chục nóc nhà tranh nằm rải rác trong các vườn chuối và rặng cọ tuyệt đẹp. Đó là một xóm nhỏ của Việt kiều. Trong xóm có một ngôi trường. Trên tường phòng học, một bên treo ảnh vua Xiêm (Thái Lan ngày nay), bên kia treo ảnh Phạm Hồng Thái. Việt kiều ở đây là những người yêu nước chân chính, luôn hướng về Tổ quốc. Tối tối, trẻ, già, trai, gái thường tụ tập lại trong sân trường. Họ ngồi thành vòng tròn, hát những bài ca yêu nước hoặc nín thở nghe các cụ già râu tóc bạc phơ kể lại những trận chiến đấu quyết liệt với bọn Tây của các đội nghĩa quân dũng cảm của Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám mà các cụ đã đứng dưới cờ gần nửa thế kỷ”[2].
Sau khi đến Xiêm, Phạm Ngọc Đạt tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng vẫn luôn ý thức được thân phận của người dân mất nước, phải sống tha phương cầu thực. Những buổi kể chuyện của người già, tuyên truyền cách mạng của Việt Nam cách mạng Thanh niên, Hội Việt kiều thân ái… đã khơi dậy trong Phạm Ngọc Đạt một tinh thần yêu nước thương nhà. Nhờ vậy, ông đã sớm giác ngộ cách mạng và bí mật tham gia hoạt động trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, rồi sau là phong trào của Đặng Thúc Hứa.
Trong quá trình bươn chải, làm nhiều việc, nhiều nghề để sinh sống trên đất Xiêm, Phạm Ngọc Đạt thường đến với các ngôi chùa trong vùng để tĩnh tâm. Xiêm vốn là một đất nước rất mộ đạo Phật. Giới sư sãi ở đây rất được nhân dân tôn sùng, kính trọng. Nhân dân nuôi nhà chùa một cách tự nguyện. Hiện chưa rõ quá trình ông Phạm Ngọc Đạt đến với con đường tu tập như thế nào, chỉ biết rằng, năm 1917, Phạm Ngọc Đạt quy y tại chùa Khánh Thọ - một ngôi chùa nằm ở miền Trung nước Xiêm. Trụ trì chùa là Hòa thượng Hạnh Nhơn đã đặt cho ông pháp danh Thượng Thiệt Hạ Bình, tên chữ là Bình Lương. Còn theo bà Nguyễn Thị Phương - một Việt kiều yêu nước ở Thái Lan đồng thời là cháu của Phạm Ngọc Đạt, thì người đưa Phạm Ngọc Đạt đến với Phật giáo là ông Hồ Thiện, người cùng vượt Trường Sơn với Phạm Ngọc Đạt năm 1904 và là một nhà sư ở trong nước trước đó.
Trong bản Tiểu sử Hòa thượng Bình Lương được khắc trên tấm bia đá, hiện đang lưu giữ tại nhà thờ dòng họ tại xã Sơn Bằng (bia khắc năm 1964) cũng ghi rõ: “Nêu lại tiểu sử của vị sư cả nói trên thì người ra khỏi nước Việt Nam từ thuở 22 tuổi sang cư trú nước Thái để theo đuổi công việc làm ăn. Đến năm người được 35 tuổi nhằm Phật lịch năm 2475, âm lịch là năm Ất Mão người phát tâm mộ đạo vì thấy cuộc đời giả tạm đến chết cũng về tay không. Người mới vào chùa Khánh Thọ, cầu Hòa thượng Hạnh Nhơn, xin quy y thọ giới và được Hòa thượng tặng cho Pháp danh Thượng Triệt Hạ Bình, chữ Bình Lương.
Vào khoảng Phật giáo được 2475 năm, tức là năm Nhâm Thìn[3], Hòa thượng Viên Mãn chùa Phổ Phúc Phong giao cho người làm chủ chùa Từ Tế tạm thời. Qua năm 2480, Hòa thượng giao trọn quyền trông coi ngôi chùa này”.
Trong quá trình sinh sống, tu hành trên đất Xiêm, Hòa thượng Bình Lương rất được nhân dân sở tại và Việt kiều rất ngưỡng mộ. Hòa thượng Bình Lương luôn thể hiện là bậc chân tu đắc đạo, thấm nhuần sâu sắc đức tính từ bi của đạo Phật. Đối với người dân Xiêm, Hòa thượng Bình Lương cư xử hài hòa, tôn trọng phong tục tập quán của người bản địa, tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó khăng khít giữa người Việt và người Xiêm, họ trân trọng và gọi Hòa thượng Bình Lương với cái tên giản dị là Sư Ba. Khi Việt kiều tản cư sang Xiêm đã được giúp đỡ ở chùa, có nhiều người được nuôi nấng ăn học chu đáo. Đặc biệt, trong thời gian trụ trì chùa Từ Tế, Hòa thượng Bình Lương đã cưu mang, che dấu rất nhiều cán bộ Việt Nam hoạt động trên đất Xiêm như Nguyễn Ái Quốc, Ung Văn Khiêm, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Hoan… Sư Bình Lương cũng chính là người đã ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều để Nguyễn Ái Quốc và các cộng sự duy trì, xuất bản tờ báo “Thân Ái”.
Trong thời gian trụ trì chùa Từ Tế, do ngôi chùa này bị xuống cấp nên Hòa thượng Bình Lương đã đứng ra xin Chính phủ Thái Lan cho dỡ ngôi chùa cũ để xây dựng ngôi chùa mới. Nhờ những cống hiến to lớn cho Phật giáo Thái Lan, Hòa thượng Bình Lương đã được Nhà vua Thái ba lần sắc phong: “Cùng năm ấy Đức Thái Hoàng thứ 7 phong sắc cho người là Đông-Sot-Ta-Sot-Bo-Von Bình Lương. Đến năm 2491 Phật lịch, nhằm năm Kỷ Sửu[4] âm lịch, Đức Thái Hoàng thứ 9 lại phong sắc cho một lần nữa là Đông-Xa-Ra Phan-Ma-Thu-Rốt Bình Lương… Năm 2501 Đức Thái Hoàng thứ 9 lại phong sắc là Phpa-Khru-Kha-Na-Nam Sổm-Ma-Na-Cha Hòa thượng Bình Lương… Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam tại Thái Lan” (Bia đá tại nhà thờ).
Nhà sư Bình Lương chụp ảnh với bà con Việt kiều Thái Lan trước khi về nước (năm 1964)
Tháng 3 năm 1963, Hòa thượng Bình Lương bị bệnh nặng. Thể theo nguyện vọng của Hòa thượng được về nước để sống những ngày cuối đời và được gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước ta thông qua Hội Hồng thập tự có sự thỏa thuận của Hội Hồng thập tự Thái Lan đã tổ chức một chuyến bay đặc biệt sang Bangkok đưa Hòa thượng Bình Lương về Hà Nội. Bệnh viện Việt - Xô cử hai bác sĩ theo chuyến bay này sang Thái Lan đón hòa thượng về nước. Sau khi Hòa thượng hồi hương, Bác Hồ đã nhiều lần vào Bệnh viện Việt - Xô thăm nhà sư.
Bác sĩ Bệnh viện Việt - Xô sang đón nhà sư Bình Lương về nước. Ảnh tư liệu
Ngày 20-4-1966 Hòa thượng Bình Lương viên tịch, hưởng thọ 84 tuổi. Tang lễ hòa thượng được tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hồ Chủ tịch đến đặt vòng hoa kính viếng hòa thượng. Vòng hoa của Bác Hồ ghi dòng chữ "Đồng chí Hồ Chí Minh kính viếng".
Lễ tang Hòa thượng Bình Lương. Ảnh do ông Phạm Đậu cung cấp
Trước đây, tại chùa Hoằng Ân, thôn Quảng Bá, xã Quảng An, quận Tây Hồ có treo một tấm bảng, được lồng trong khung nhôm kính có nội dung như sau:
“Hòa thượng Bình Lương tên thật là Phạm Ngọc Đạt (tức cụ Sư Ba) sinh năm 1882 tại xã Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh, trụ trì tại chùa Từ Tế, thành phố Bangkok, Thái Lan.
Hòa thượng Bình Lương tham gia phong trào cách mạng từ thời kỳ Phan Đình Phùng khởi nghĩa và sang Thái Lan sau thời gian đó cùng sư cụ Hồ Thiện.
Hòa thượng Bình Lương trụ trì chùa Từ Tế với lòng nhiệt tình yêu nước thiết tha, mong muốn nước nhà tự do độc lập. Hòa thượng hết lòng ủng hộ cách mạng. Chùa Từ Tế là nơi đã nuôi dưỡng và che giấu cán bộ cách mạng hoạt động bí mật.
Ngay từ năm 1930 - 1935, ngôi chùa Hòa thượng Bình Lương trụ trì đã là nơi tiếp đón, nuôi giấu các đồng chí của ta, trong đó có nhiều đồng chí hiện nay ở cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đặc biệt từ năm 1940 trở đi, chùa Từ Tế do Hòa thượng Bình Lương trụ trì đã là nơi các cán bộ đi lại hội họp, đi về hoạt động trong nước và sang Lào giúp đỡ phong trào cách mạng Lào.
Từ năm 1945, giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, đứng đầu là Hồ Chủ tịch được toàn thể nhân dân đoàn kết chiến đấu. Nhiều Việt kiều ta ở Lào, Campuchia phải tạm lánh sang Thái Lan để tiếp tục chống Pháp.
Chùa Từ Tế lại là nơi không chỉ có cán bộ đi lại hội họp hoạt động mà còn là nơi bộ đội chiến sỹ qua lại, đi từ trong nước hoặc qua Miên, qua Lào cùng tạm trú nơi này. Từ năm 1950 khi Chính phủ phản động Thái Lan dồn ép Việt kiều, Hòa thượng vẫn kiên quyết giữ cho ngôi chùa là nơi đi lại hợp pháp của cán bộ ta để hoạt động.
Hòa thượng Bình Lương thấm nhuần sâu sắc đức tính từ bi của đạo Phật. Khi Việt kiều tản cư sang Thái Lan đã được giúp đỡ ở chùa, có nhiều người được nuôi nấng ăn học chu đáo.
Ngày 9.3.1963 do sức khỏe giảm sút và thể theo nguyện vọng thiết tha, Hòa thượng Bình Lương đã được về nước sống những năm tháng cuối đời trên quê hương thân yêu và được gặp lại Hồ Chủ tịch kính mến.
Do sự thỏa thuận của ta và Hội Hồng Thập Tự Thái Lan, ta đã tổ chức một chuyến máy bay đặc biệt đưa cụ từ Bangkok qua Viênchăn, Lào về Hà Nội. Bệnh viện Việt - Xô đã cử hai bác sỹ sang Viênchăn đón cụ về và cũng từ 9.3.1964 nhiều lần Bác Hồ vào thăm Hòa thượng tại Bệnh viện Việt - Xô.
Hòa thượng Bình Lương viên tịch ngày 20.4.1966 thọ 84 tuổi. Tang lễ được cử hành tại chùa Quán Sứ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hồ Chủ Tịch đến đặt vòng hoa kính viếng. Ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng cùng tăng ni tín đồ Hà Nội đã làm lễ an táng Hòa Thượng tại chùa Long Ẩn, thôn Quảng Bá, Quảng An. Đây là một tổ đình lớn thuộc phái Tào Đồng, Thủ đô Hà Nội.
(Tấm bảng này về sau, trong quá trình sửa chữa, tu tạo chùa thì bị mất).
Am tháp đặt di hài Hòa thượng Bình Lương tại chùa chùa Hoằng Ân,
quận Tây Hồ, Hà Nội (Trong am tháp này còn có di cốt Hòa thượng Thích Chí Độ)
2. Về một số hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trên đất Xiêm, tháng 7-1928, Nguyễn Ái Quốc từ Nhật Bản đến Xiêm, “địa phương đầu tiên Người đến là vùng Bản Đông, thuộc huyện Phi Chít, tỉnh Phítxanulốc, miền Trung nước Xiêm. Đây là một làng Việt kiều với khoảng 20 gia đình đang sinh sống. Từ năm 1926, nơi đây đã có những cơ sở của các tổ chức cách mạng như Việt Nam cách mạng Thanh niên, Hội hợp tác, Hội Việt kiều thân ái…”[5].
E.Cô-bê-lép trong Đồng chí Hồ Chí Minh đã viết: “Ngay từ khi còn ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc, nay là Thầu Chín, đã có ý định tổ chức công tác chính trị trong Việt kiều ở Xiêm. Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội thường xuyên cử cán bộ và gửi sách báo, tài liệu của Hội sang vùng đông – bắc Xiêm. Lúc này, số Việt kiều tại đây đã lên tới gần hai vạn. Trong đó có người sang đã lâu… Nhưng phần lớn Việt kiều sang đây vào những năm chiến tranh thế giới lần thứ nhất để khỏi bị Pháp bắt lính và khỏi bị đói rét. Nhưng cũng có những người mới sang, họ là những người tham gia các phong trào yêu nước và sống sót sau các cuộc khủng bố của thực dân Pháp”[6].
Trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, tác giả Trần Dân Tiên cung cấp thông tin về thời gian Bác Hồ hoạt động ở Xiêm như sau: “Ở Trung Bộ Xiêm, gần sông Mé Nam, có một xóm Việt kiều. Đây là những người nông dân và những người bán hàng rong. Người thì cấy lúa, trồng khoai. Người thì đi bán diêm, vải, thuốc men… Đây là những người du kích đã chống Pháp dưới sự lãnh đạo của cụ Phan Đình Phùng hoặc cụ Hoàng Hoa Thám. Họ trốn sang Xiêm để tránh sự bắt bớ của người Pháp…”[7].
Trần Dân Tiên nói rõ: “Một lần nữa ông lại mất tích. Ông Nguyễn đi đâu. Không ai biết. Những đồng chí của ông cũng bị nghi ngờ và bị Quốc dân đảng bắt bỏ tù… Gặp khi nguy hiểm quá, bị theo dõi riết, ông Nguyễn đã lánh vào một ngôi chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt động”[8]… “Phạm vi hoạt động rất rộng, Nguyễn Ái Quốc chấn chỉnh và cho ra thường xuyên tờ báo của Hội là “Thân ái”. Người tìm cách nâng số lượng tờ báo lên. Và người còn vận động chính quyền Xiêm cho phép mở trường dạy con em Việt kiều bằng tiếng mẹ đẻ…”[9]… “Ngoài việc cuốc đất, đi buôn, ông Nguyễn còn làm công việc tuyên truyền và tổ chức. “Hội thân ái Việt Nam” thành lập, một tờ báo Thân ái được xuất bản”[10].
Giữa năm 1928, nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc từ nước Đức vào tháng 6 và đến Xiêm và tháng 7 với thẻ nhập cảnh mang tên Nguyễn Lai, địa điểm đầu tiên Bác đến là Bản Đông, huyện Phi Chít, sau một thời gian ngắn ở Phi Chít, “Người đã cùng với một vài người đi bộ suốt hơn nửa tháng trời để đến tỉnh Uđon Thani… Cách trung tâm thị xã Uđon Thani khoảng 12km có làng Noỏng Ổn (huyện Mương), lúc đó rất hẻo lánh nên chỉ có 8 gia đình Việt kiều sinh sống, không có người Thái. Cụ Đặng Thúc Hứa đã lập ra Trại Cưa, thu hút những thanh niên trai tráng nghèo (không nhà, không ruộng, không tiền) tụ hợp lại sinh sống bằng nghề chặt, xẻ gỗ rừng. Trại Cưa cũng là nơi đón những thanh niên yêu nước từ Việt Nam sang”[11]…
Trên đất Xiêm, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến rất nhiều nơi để tuyên truyền, vận động cách mạng, trong đó Bản Mạy có lẽ là nơi Người dừng chân lâu nhất: “Bản Mạy vốn là bản do những người gốc Việt đến Thái Lan làm ăn, sinh sống lập nên vào đầu thế kỷ XX. Họ chủ yếu là người gốc miền Trung Việt Nam, có học thức, chịu ảnh hưởng tư tưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nên khi dựng làng, họ đã có ý thức xây dựng một cộng đồng người Việt kiều có tinh thần dân tộc như xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần, lập Hội Trại Cày, Hội Thân Ái…”[12].
Liên qua đến quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trên đất Xiêm, tác giả người Thái là Sukprida Phanomyong trong cuốn Hồ Chí Minh - Một vị thánh sống, xuất bản tại Thái Lan năm 2009 đã viết: “Khi tàu thủy cập bến Bangkok, ông Nguyễn Ái Quốc đến thẳng chùa Từ Tế năm trên phố Rachvong. Ông Nguyễn chọn nơi đây làm địa chỉ đầu tiên ở Thái Lan vì đã có liên hệ với vị sư người Việt Nam trụ trì chùa Từ Tế (tên Thái Lan là Vắt Locanụkhọ)”[13].
Chắp nối một số tư liệu nêu trên có thể thấy, trước khi đến Xiêm, Nguyễn Ái Quốc và nhà sư Bình Lương đã có mối liên lạc với nhau. Trong quá trình hoạt động trên đất Xiêm, Nguyễn Ái Quốc cũng như các nhà hoạt động cách mạng tiền bối khác chắc chắn đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của nhà sư Bình Lương.
3. Hiện nay, ông Phạm Đậu (nguyên giảng viên Trường Đại học Vinh) là cháu của Hòa thượng Bình Lương còn lưu giữ được một số tư liệu quý về Sư Bình Lương gồm một Bản di chúc ghi lại số tiền tiết kiệm (của nhà sư) được giao sử dụng sau khi ông mất, một số ít hiện vật và ảnh tư liệu về nhà sư. Đặc biệt là bức thư đề ngày 22-4-1966 của Bộ Nội vụ gửi ông Phạm Đậu và các cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phật giáo Việt Nam, Hội Việt kiều… ghi lại tóm tắt tiểu sử, quá trình hoạt động, lễ tang của Hòa thượng Bình Lương. Nội dung bức thư như sau:
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 1966
Kính gửi ông: Ông Phạm Đậu, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
- Bộ Nội vụ;
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Hội Phật giáo Việt Nam;
- Hội Việt kiều,
Vô cùng thương tiếc báo tin:
Ông Phạm Ngọc Đạt tức “Hòa thượng Bình Lương” là một nhà cách mạng yêu nước nổi tiếng của nước ta đã từ trần hồi 5h45 phút ngày 20-4-1966 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô hưởng thọ 84 tuổi.
Ông Phạm Ngọc Đạt sinh ra ở thôn An Nghĩa, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, trong một gia đình cha mẹ là nông dân. Ông sớm có tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược tham gia phong trào khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Sau khi phong trào Phan Đình Phùng thất bại, ông phải lánh nạn sang Thái Lan để tiếp tục hoạt động với phong trào “Đông du” của Phan Bội Châu. Sau đó ông lại liên kết với phong trào của Đặng Thúc Hứa, các phong trào này đều nhằm mục đích là chống thực dân Pháp xâm lược nhằm giải phóng dân tộc. Nhưng các tổ chức này không giành được thắng lợi.
Năm 1926 ông biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người có chí hướng giải phóng dân tộc theo khuynh hướng mới. Vì vậy ông đã tìm cách liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1929 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến Thái Lan. Ở đây ông Phạm Ngọc Đạt được giao nhiệm vụ tổ chức tập hợp Việt kiều ở Thái Lan thành một tổ chức và đỡ đầu tờ báo “Thân Ái” nhằm tập hợp những người yêu nước.
“Chùa Từ Tế tự” thực sự là nơi nuôi dưỡng, che chở cho các cán bộ của ta hoạt động, như:
- Bác Hồ
- Ung Văn Khiêm
- Hoàng Quốc Việt
- Hoàng Văn Hoan…
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông vẫn tiếp tục ở lại Thái Lan.
Tháng 3-1964 ông Phạm Ngọc Đạt xin ý kiến Bác Hồ và Bác Hồ đã đồng ý để ông về nước sau gần 60 năm xa Tổ quốc.
Ông Phạm Ngọc Đạt về nước với nguyện vọng muốn được nhìn thấy miền Bắc xã hội chủ nghĩa, được gặp lại bạn bè đồng chí và về thăm gia đình. Nhưng vì tuổi già sức yếu, nguyện vọng của ông chưa thực hiện được.
Được tin Hòa thượng từ trần (5 giờ 45 ngày 20-4-66), Bộ báo cáo ngay lên Bác Hồ và lên Chính phủ, đồng thời đưa tin đến các cơ quan hữu quan như Hội Phật giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các báo chí, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam v.v.. đưa tin và giới thiệu chương trình tổ chức Lễ an táng Hòa thượng.
Bác Hồ đã gửi một vòng hoa lớn, đẹp, có dòng chữ thêu trên băng sa-tanh: “Kính viếng Hòa thượng Bình Lương, tức Phạm Ngọc Đạt, nhà tu hành yêu nước” với dòng chữ quý giá vô cùng là: “Đồng chí Hồ Chí Minh”.
Có Ban tổ chức Lễ an táng gồm đại biểu của Ban Việt kiều Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Trung ương, Hội Phật giáo Trung ương v.v..
Sáng 20-4, Hòa thượng Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo miền Bắc; Hòa thượng Thích Thái Hòa, Hội trưởng Hội Phật giáo Hà Nội; Hòa thượng Trần Văn Dung và Đuốc Tuệ cùng các vị đại diện Bộ Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc Trung ương… đến Bệnh viện Việt-Xô làm Lễ nhận và đưa di hài Hòa thượng về chùa Quán Sứ.
Đêm 20-4, các vị Hòa thượng nói trên, các vị sư và tăng ni, tín đồ làm Lễ khâm liệm và nhập quan. Thi thể Hòa thượng được liệm vải vàng và phủ áo cà sa bên ngoài. Các nhà sư thay nhau gõ mõ cầu kinh suốt đêm. Trong hoàn cảnh có chiến sự, đi lại khó khăn, nhưng Ban tổ chức tang lễ đã sắm một quan tài làm bằng gỗ vàng tâm loại 1 chạm trổ sẵn sàng.
Sáng 21-4 Bác Hồ gửi vòng hoa của Người đến chùa Quán Sứ kính viếng hương hồn Hòa thượng.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến chùa Quán Sứ trực tiếp đặt vòng hoa và mặc niệm trước quan tài Hòa thượng. Ngoài ra, còn có các vị khách cao cấp trong Chính phủ, trong Mặt trận Tổ quốc Trung ương, các vị đại diện các tôn giáo cũng đến đặt vòng hoa và mặc niệm trước quan tài Hòa thượng như:
- Ông Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội,
- Ông Ung Văn Khiêm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
- Ông Nguyễn Văn Ngọc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ,
- Cụ Lê Đình Thám, Ủy viên Chủ tịch đoàn Mặt trận Tổ quốc VN,
- Cụ Vũ Đình Tụng, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ,
- Ông Trần Hữu Duyệt[14], Tổng Thư ký Mặt trận Tổ quốc trung ương
và đông đảo cán bộ và bà con Việt kiều Thái Lan.
17 giờ ngày 21-4, lễ an táng cử hành, có đa số các vị khách nói trên, có vị hòa thượng, hàng trăm tăng ni, tín đồ, hàng trăm Việt kiều Thái Lan đi dự trên hàng chục xe ô-tô. Đám tang kéo dài hàng cây số. Sở Công an Hà Nội bố trí trật tự nghiêm chỉnh dọc đường mời đồng bào dừng xe đứng dẹp sang hai bên nhường đường cho đám tang Hòa thượng.
18 ngày 21-4, lễ hạ huyệt bắt đầu, sau khi Hòa thượng Thích Chí Độ đọc điếu văn, các vị Hòa thượng khác cùng các tăng ni, tín đồ tụng kinh cầu nguyện hương hồn Hòa thượng được siêu linh tịnh độ; các vị khách và Việt kiều ai cũng tỏ lòng thương tiếc, kính mến Hòa thượng. Vòng hoa của Bác Hồ và hơn chục vòng hoa của các cơ quan được xếp xung quanh mồ Hòa thượng. Nhà chùa Quảng-B chịu trách nhiệm việc đèn nhang trên mồ thâu đếm suốt sáng và liên tục một tuần lễ.
Nói chung, tang lễ Hòa thượng Bình Lương đã được tổ chức chu đáo và trọng thể, từ xưa nay chưa từng có. Nó biểu lộ lòng ngưỡng mộ của Bác Hồ, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc đối với Hòa thượng Bình Lương là một nhà tu hành yêu nước nồng nàn. Đồng thời nó thể hiện mộc cách trung thực tinh thần bảo vệ tự do tín ngưỡng của chế độ ta.
Đúng thế, ảnh hưởng của tang lễ Hòa thượng Bình Lương đã có tiếng vang dội vào miền Nam ruột thịt của chúng ta, ngày 24-4, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam đã truyền tin Hội Phật giáo miền Nam gửi điện chia buồn với Hội Phật giáo miền Bắc về việc Hòa thượng Bình Lương từ trần.
Bộ tường thuật một số nét lớn về tang lễ Hòa thượng Bình Lương để gia đình ông và thân nhân trong họ thấy được sự quan tâm của Bác Hồ kính mến và của Chính phủ ta, của Mặt trận Tổ quốc trung ương, của Hội Phật giáo trung ương… Tuy gia đình ông và thân nhân trong họ có một cái tang đáng buồn nhưng cũng là một điều vinh dự rất to lớn.
TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
VỤ TRƯỞNG VỤ AN TOÀN XÃ HỘI
HỒ VĂN NINH
Bức thư này được ông Phạm Đậu coi như một báu vật, ông luôn giữ gìn cẩn thận trong suốt những năm qua. Những câu cuối cùng trong bức thư “Nói chung, tang lễ Hòa thượng Bình Lương đã được tổ chức chu đáo và trọng thể, từ xưa nay chưa từng có. Nó biểu lộ lòng ngưỡng mộ của Bác Hồ, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc đối với Hòa thượng Bình Lương là một nhà tu hành yêu nước nồng nàn… Tuy gia đình ông và thân nhân trong họ có một cái tang đáng buồn nhưng cũng là một điều vinh dự rất to lớn”, vừa là niềm an ủi, động viên, nhưng cũng là niềm vinh dự, tự hào của ông và dòng họ trước sự cống hiến của người thân của mình.
4. Mặc dù khoác lên mình tấm áo cà sa, thoát tục nhưng trong lòng Hòa thượng không lúc nào nguôi nhớ về quê hương, cố quốc. Năm 1963, sau khi về nước, ông đã cho gọi ông Phạm Đậu ra Hà Nội để trao đổi một số việc. Sau đó, ông đã đưa tiền để ông Phạm Đậu trở về quê nhà Sơn Bằng, mua gỗ về làm một ngôi nhà ba gian theo kiến trúc truyền thống người Việt, ba gian hai chái, xung quanh thưng ván, dựng trong vườn cũ trước đây. Mục đích của việc làm này là để Hòa thượng Bình Lương khi khỏe sẽ về thăm quê và nghỉ ngơi trong ngôi nhà này. Hòa thượng Bình Lương cũng dự kiến là sẽ mời Bác Hồ cùng về thăm quê Sơn Bằng với ông.
Ông Phạm Đậu đã về quê dựng một ngôi nhà đúng như lời Hòa thượng Bình Lương. Tuy nhiên do tuổi cao sức yếu nên Hòa thượng Bình Lương đã không hoàn thành tâm nguyện là về thăm lại quê hương và ở trong ngôi nhà mà mình mong muốn.
Ngôi nhà này hiện được gia đình sử dụng để làm nơi thờ tự Hòa thượng Bình Lương, Bác Hồ và những người trong dòng họ.
Nhà thờ này được bố trí như sau:
Gian giữa thờ cha mẹ Phạm Ngọc Đạt và gia tiên.
Bên phải từ ngoài vào thờ Sư Ba - Phạm Ngọc Đạt.
Bên trái, trên cùng thờ Bác Hồ, bên dười thờ hai người con liệt sĩ là Phạm Văn Biểu và Pham Văn Thành (Liệt sĩ Biểu và Thành là hai anh trai của ông Phạm Đậu; mẹ của ông Phạm Đậu là bà Nguyễn Thị Hai được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 2013).
Ban thờ Bác Hồ, các liệt sĩ và Hòa thượng Bình Lương
Ngôi nhà này hiện do thầy giáo Phạm Thanh Sơn, là con của ông Phạm Đậu trông coi, hương khói hàng ngày. Thầy Phạm Thanh Sơn là giáo viên bộ môn văn, Trường Trung học phổ thông Lê Hữu Trác, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Từ năm 1966 đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm, chiến tranh, thiên tai lũ lụt nhưng các thế hệ gia đình ông Pham Đậu vẫn duy trì việc hương khói, thờ tự Hòa thượng Bình Lương và gia tiên, Bác Hồ, Liệt sĩ rất trang nghiêm.
5. Sinh ra lớn lên khi nước nhà đang bị người Pháp xâm lược, từ chiến sĩ của phong trào Cần Vương, ông Phạm Ngọc Đạt đã đến với phong trào Đông Du, và các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Gần 60 năm xa Tổ quốc, khoác áo cà sa nhưng vẫn luôn hướng về cách mạng, hướng về Bác Hồ kính yêu. Cũng đã gần 60 năm Hòa thượng Bình Lương viên tịch, nhưng từ đó đến nay, chân dung và hành trạng của Hòa thượng Bình Lương vẫn chưa được làm sáng tỏ. Thời gian càng lùi xa, nguồn tư liệu về các nhân vật có công với cách mạng của nước ta nhưng hoạt động ở nước ngoài khan hiếm, việc chúng ta có được một ít tư liệu về Hòa thượng Bình Lương cũng đã quý lắm rồi. Vì vậy, trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu, các nhà sử học, các cá nhân, tổ chức Phật giáo cần quan tâm nghiên cứu thêm về Hòa thượng Bình Lương, để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về những đóng góp của Hòa thượng Bình Lương đối với cách mạng Việt Nam, cũng như đối với Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài. Khi người sau đã hiểu về con người Phạm Ngọc Đạt thì người ta sẽ càng trân quý ông nhiều hơn. Trong thời gian tới, Giáo hội Phật giáo Hà Tĩnh cần lưu tâm nhiều hơn đến Hòa thượng Bình Lương, cần phải có một hình thức vinh danh, tưởng niệm hay kỷ niệm trọng thể đối với nhà sư Bình Lương. Trong lịch sử Phật giáo Hà Tĩnh, sẽ là thiếu sót rất lớn nếu không nhắc đến Sư Ba - Hòa thượng Bình Lương.
Có thể nói, trong lịch sử Phật giáo cận hiện đại Hà Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung, Hòa thượng Bình Lương đã có những đóng góp quan trọng. Vì vậy, cần phải đặt Hòa thượng Bình Lương ở vị trí xứng đáng với những cống hiến của ông. Hiện nay, Hòa thượng Bình Lương đã được Nhà nước truy tặng Huy chương kháng chiến nhưng có lẽ điều này là chưa đủ. Cần phải có thêm hình thức tôn vinh ở mức cao hơn, xứng đáng với công lao của ông. Tại Hà Tĩnh, hiện đã có hai nhân sĩ Thiên chúa giáo là Mai Lão Bạng (quê huyện Kỳ Anh) và Đậu Quang Lĩnh (quê huyện Đức Thọ) đã được ghi danh xứng đáng, trong đó Mộ Mai Lão Bạng tại xã Kỳ Khang đã được xếp hạng di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Cả Mai Lão Bạng và Đậu Quang Lĩnh đều đã được đặt tên cho một số tuyến đường trên địa bản tỉnh Hà Tĩnh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Hương Sơn cần nghiên cứu, lựa chọn đặt tên cho một số tuyến đường mang tên Phạm Ngọc Đạt. Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cần triển khai, nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng đối với di tích Nhà thờ Phạm Ngọc Đạt, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn. Việc này, dù đã hơi muộn nhưng vẫn còn hơn chưa./.
Hà Tĩnh, tháng 2 năm 2023