Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm Giáp Thìn - 1724 (cũng có tài liệu ghi ông sinh năm Canh Tý, 1720?) tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, Phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Về hành trạng, Lê Hữu Trác đã được ghi chép khá nhiều trong các bộ địa chí nước ta. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Lê Hữu Luân, người huyện Đường Hào, là con Thượng thư Lễ bộ Lê Hữu Kiều. Cuối đời Lê, họ Trịnh chuyên quyền, bèn tránh vào ở xã Phúc Lộc, huyện Hương Sơn trấn Nghệ An, tài trí dồi dào, tính hào mại. Ông có thơ rằng: Thiện diệc lãn vi hà huống ác; quý do bất nguyện khởi ưu bần (Lành cũng biếng làm chi kể dữ; sang còn chẳng thích há lo nghèo)…"[1]. Sách Hải Dương phong vật chí cho biết: “Xã Liêu Xá, huyện Đường Hào có con trai quan Thượng thư Lê Hữu Kiều di cư vào Nghệ An làm thuốc, hiệu là Lãn Ông, có soạn phương thư (sách ghi chép các phương thuốc) lưu hành ở đời"[2]. Địa chí Hương Sơn viết rõ hơn về gia thế Lê Hữu Trác: “Gia đình ông có tới 6 người đỗ Tiến sĩ, gồm: ông, cha, bác, chú, anh, em. Thân sinh ông là Lê Hữu Mưu, làm quan đến Thị lang bộ Công dưới triều Lê Dụ Tông. Sinh mẫu ông, bà Bùi Thị Thưởng, là vợ thứ, con gái tướng công Bùi Diệm Đăng, quê xứ Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn…"[3].
Về năm sinh của Lê Hữu Trác, theo Gia phả họ Lê Hữu ở Liêu Xá, Hưng Yên thì Lê Hữu Trác là con thứ 11 của cụ Lê Hữu Kiều. Tuy là con thứ 11 nhưng lại được gọi là cậu Chiêu Bảy vì ông là con trai thứ 7. Trong khi đó, người con thứ bảy của cụ Lê Hữu Kiều lại là Lê Hữu Tán mới thực sinh năm 1720. Hơn nữa, giữa Lê Hữu Tán và Lê Hữu Trác còn có một người nữa là Lê Hữu Đề. Chính vì vậy, Lê Hữu Trác sinh năm 1724 mới là thông số hoàn toàn chính xác. Năm 1945, khi Nam Thiên Thư Cục xuất bản Y gia Tâm lĩnh, Thiên lý Nguyễn Di Luân ghi rõ: cụ (Lê Hữu Trác) sinh năm Giáp Thìn (1724). Năm 1962, khi viết Lược truyện các tác gia Việt Nam, Trần Văn Giáp cho biết Lê Hữu Trác sinh năm 1724. Năm 1992, Lê Hữu Quán có bài viết tại Hội thảo về Lãn Ông Lê Hữu Trác nhân dịp di tích được xếp hạng quốc gia, khẳng định Lê Hữu Trác sinh năm 1724. Năm 1996, khi viết Tác gia Hán Nôm Nghệ Tĩnh, Thái Kim Đỉnh cũng thống nhất Lê Hữu Trác sinh năm 1724. Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tổ chức khắc dựng bia Hải Thượng Lãn Ông tại Nhà thờ ông ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, trong văn bia cũng ghi rõ năm sinh Lê Hữu Trác là 1724. Với những người cẩn trọng như Nguyễn Di Luân, Trần Văn Giáp, Thái Kim Đỉnh và nhiều người khác nữa, chúng ta hoàn toàn có cơ sở khẳng định Lê Hữu Trác sinh năm 1724.
Sinh ra trong một cự tộc, được theo cha học tập ở kinh kỳ, Lê Hữu Trác sớm nổi tiếng tinh anh, thông thạo cả nho, y, lý, số… Nhưng thời đại ông là một trong những thời kỳ rối ren nhất trong lịch sử dân tộc, chiến tranh liên miên, triều chính khủng hoảng, vua Lê - chúa Trịnh chèn ép nhau, rồi cát cứ, giao tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài, dân tình đói khổ, phiêu tán… Tư chất thông minh, truyền thống gia đình và những hoàn cảnh xô đẩy của cuộc đời đã giúp ông sớm nhận thức được bản chất xã hội; vì vậy, khác với nhiều sĩ tử cùng thời, ông đã kiên quyết khước từ con đường cử nghiệp để ẩn về quê mẹ, vừa trông nom gia đình, vừa đọc sách, làm thơ, chữa bệnh cứu người như lời ông tâm sự: “Sá chi vinh nhục việc đời/ Đem thân đạo nghĩa vào nơi lâm tuyền” (Bất can vinh nhục sự/Bảo đao nhập cùng lâm/An bần - Y lý thâu nhàn).
Hơn 40 năm ẩn cư, mặc dù tự nhận là “Lãn Ông” - ông già lười, nhưng thực sự đó là những năm tháng lao động, làm việc cần cù nhất, tâm huyết nhất và cũng đầy sức sáng tạo của Hải Thượng (tên hiệu lấy theo nguyên quán của ông là phủ Thượng Hồng, Hải Dương; Thượng cũng còn có nghĩa là thôn Bàu Thượng, quê mẹ ở Hương Sơn). Cùng với chữa bệnh cứu người, ông đã miệt mài đọc sách, nghiên cứu về y thuật, y lý, tìm kiếm, khảo cứu, điều chế các loài dược liệu trong vùng, tổng hợp, sáng tạo ra nhiều bài thuốc dân gian, nhiều cách chữa bệnh đơn giản, hiệu quả.
Ngày 12 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782), Chúa Trịnh triệu ông ra kinh đô chữa bệnh. Gắng xong bổn phận, ông lại cáo xin về quê ngoại để tiếp tục sự nghiệp trị bệnh cứu người; bổ sung bộ Y tông tâm lĩnh, viết thêm tác phẩm Thượng kinh ký sự… Ông thanh thản ra đi đúng vào ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi - 1791. Tương truyền, trước lúc lâm chung, ông dặn con cháu thả một cánh diều ông thường chơi và buộc ở góc nhà, diều rơi ở đâu thì táng ông ở đấy. Có lẽ vì vậy nên núi Minh Tự nơi có ngôi mộ ông ở xã Sơn Trung, Hương Sơn từ lâu nay được nhân dân trong vùng gọi là núi Cánh Diều.
Cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông như một viên ngọc quý, càng mài càng thấy sáng. Trước hết, đó là một Đại Danh y với học vấn uyên thâm, am tường thiên văn, địa lý, hiểu sâu sắc thời vận, không ngại gian khổ, cần cù, độc lập, sáng tạo trong nghiên cứu y học. Suốt cả cuộc đời làm thuốc, ông đã có công sưu tầm, phát hiện và bổ sung 300 vị thuốc nam, thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian. Sau hơn 40 năm miệt mài nghiên cứu và tận tụy chữa bệnh cứu người, ông đã để lại cho nền y học Việt Nam một di sản quý giá, đặc biệt là bộ sách Y tông tâm lĩnh được khắc in vào năm 1885, gồm 28 tập, 66 quyển. Trong tác phẩm đồ sộ này, Hải Thượng đã đúc kết tinh hoa y học cổ truyền Phương Đông và y học cổ truyền Việt Nam, thông qua những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của bản thân, xây dựng thành hệ thống toàn bộ Lý, Pháp, Phương, Dược của nền y học nước nhà. Những trước tác mà Đại Danh y để lại chính là bộ giáo khoa kinh điễn mẫu mực, góp phần đào tạo, bồi dưỡng về y đức, y đạo, y thuật cho các thầy thuốc đời sau.
Chín điều “Y huấn cách ngôn” chính là khuôn phép, nguyên tắc của người hành nghề y dược; 8 chữ: Nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thực, khiêm tốn và cần cù mãi là kim chỉ nam về y đức cho những người thầy thuốc chân chính. Cùng với thời gian, những lời di huấn đó ngày càng toả sáng trong tâm hồn các thế hệ thầy thuốc: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”.
Lê Hữu Trác còn là một nhà văn xuất sắc. Tác phẩm Thượng kinh ký sự ghi chép lại những sự kiện, những điều mắt thấy tai nghe khi ông lên kinh đô chữa bệnh cho nhà chúa; nhưng thông qua tác phẩm có thể thấy rõ tính cách của ông, một con người coi thường danh lợi, một nghệ sĩ giàu cảm xúc trước thiên nhiên, tạo vật. Tác phẩm đã độc chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam. Hoặc trong sách Âm dương y án chỉ ghi lại một số câu chuyện chữa bệnh nhưng lại có giá trị nhân văn sâu sắc. Người đương thời đã nhận xét: “Tiên sinh là bậc tuổi cao, đức dày, có tài làm thuốc của Hiên Viên, Kỳ Bá; có tài làm thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ; lại có cái chí nhàn dật, cái tình phong nhã của một bậc cao sỹ. Bao nhiêu nhân văn, tài tử muốn xin theo hầu”.
Từ cuộc đời và sự nghiệp của mình, Hải Thượng Lãn ông còn để lại cho hậu thế những giá trị lớn về tư tưởng. Đó là quan điểm về cuộc sống, quyết tâm vứt bỏ “cái chí bon chen trong trường danh lợi” để theo đuổi chí hướng “Nghề y thiết thực lợi ích cho mình, giúp đỡ mọi người”. Về nghề nghiệp, với ông “nghề thuốc là một nghề thanh cao, là một nghề có lòng nhân ái”. Về trước tác và truyền thụ, ông muốn “thâu tóm toàn bộ hàng trăm cuốn sách, đúc thành một pho để tiện xem, tiện đọc” và xem đây như là một yêu cầu của thời bấy giờ. Vì vậy, sách của ông viết xong đến đâu là có người chép tay truyền nhau. Về kế thừa và học tập, ông nêu cao tinh thần khổ học, học phải có chọn lọc, có sáng tạo, có phương pháp và với tinh thần suy nghĩ độc lập cao. Khó có người làm thuốc nào như ông không hề giấu “dốt”, dám trình bày lại những trường hợp bệnh chữa không khỏi, người bệnh đã chết để người sau rút kinh nghiệm: “Nhưng thói thường cứu được một người thì hoa chân múa tay biểu dương cho mọi người cùng biết, còn lỡ thất bại thì giấu đi, thường người ta hay giấu những thói xấu của mình mà không đem sự thực nói với người khác… Trong việc chữa bệnh, tôi từng ứng biến để đối phó với bệnh tình, chuyển nặng ra nhẹ, cứu chết lấy sống được bao nhiêu trường hợp mà vẫn có những chứng phải bó tay đợi chết cũng không phải là ít. Tôi không tự thẹn với trình độ thấp kém trong việc cứu người cho nên ngoài những “Dương án” lại chép thêm một tập kể lại những lời khó nói ra được, gọi là “Âm án”. Mong những bậc trí thức có chí làm thuốc sau này, khi thấy những chỗ hay của tôi chưa đáng bắt chước, nhưng thấy chỗ dở của tôi cần phải lấy làm gương, không nên quá yêu tôi mà bảo chỉ chữa được bệnh mà không chữa được mệnh”… Về phong cách đối nhân xử thế, ông luôn khiêm tốn, không hề tự cao, tự đại, luôn tranh thủ sự đồng tình của người khác để cầu học hoặc thu kết quả trong việc làm. Đối với người bệnh, theo ông phải biết “quên mình cứu chữa người ta”.
Cùng với các trước tác để lại, chính cuộc đời 70 mùa xuân của Hải Thượng Lãn Ông, với 44 năm sống, làm thuốc, chữa bệnh cứu người trên quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh, với tài cao, đức rộng, cốt cách thanh tao, Lê Hữu Trác đã trở thành một danh nhân văn hoá, một thiên tài kiệt xuất của nền Y học cổ truyền Việt Nam.
Để tôn vinh và khắc ghi công lao to lớn của ông, trong nhiều thập kỷ qua, cùng với hậu duệ của dòng họ Lê Hữu ở quê cha và quê mẹ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch, Bộ Y tế cùng chính quyền, nhân dân các địa phương đã giành nhiều công sức gìn giữ, tôn tạo và phát huy những giá trị di sản Đai Danh y để lại. Dự án Tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông tại Hương Sơn, Hà Tĩnh do Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác làm chủ đầu tư đã được triển khai, đến nay đã hoàn thành và phát huy hiệu quả. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đang phối hợp với một số tổ chức văn hoá, khoa học nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển bền vững khu vực này trên cơ sở kết hợp các tiềm năng, lợi thế về di sản văn hoá - tâm linh với du lịch sinh thái, dịch vụ y tế, chăn nuôi, trồng và chế dược liệu. Khu du lịch sinh thái Hải Thượng do một người con Hương Sơn đầu tư về quê đã được xây dựng khang trang. Tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, các di tích liên quan đến dòng họ Lê Hữu cũng đã xếp hạng quốc gia và được đầu tư tôn tạo.
Vào dịp tưởng niệm 220 năm ngày mất của ông, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Y tế, Hội Đông y Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, trong đó có Lễ kỷ niệm, trao giải thưởng y học dân tộc Hải Thượng Lãn Ông lần thứ Nhất. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với Viện Bỏng quốc gia tổ chức trưng bày trọn bộ Y tông tâm lĩnh mới được phục chế; xây dựng chương trình nghệ thuật “Nghĩa tình đất mẹ” với nhiều ca khúc, tiết mục mới về cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông… Lễ hội Hải thượng Lãn Ông cũng đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia và được tổ chức thường niên…